Thí sinh sau khi hoàn thành bài thi tốt nghiệp THPT 2024 môn ngữ văn vào sáng nay, 27.6
Năm nay, hơn 1 triệu sĩ tử thi tốt nghiệp THPT 2024 phải trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính trong đề ngữ văn để giành trọn 2 điểm. Một câu hỏi nghị luận xã hội bị một số giáo viên đánh giá là rập khuôn, máy móc nhưng lại được thí sinh "mổ xẻ" bằng hơi thở của thời đại, bằng chính cuộc sống ở ngoài đời thực và trên không gian mạng mà các em đang trải qua.
Đặng Huỳnh Xuân Nghi, học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), cho biết đề nghị luận xã hội là một câu hỏi "mở hết cỡ", không bó buộc thí sinh vào bất cứ chủ đề nào. Bởi, ai cũng có cá tính, và với giới trẻ các em, cá tính nào cũng cần được tôn trọng chứ không nên bị "gắn nhãn" bởi bất kỳ ai.
"Trong phần liên hệ thực tế, em đề cập đến sự đa dạng trong các xu hướng tính dục như dị tính hay đồng tính. Theo em, tất cả mọi người, dù có xu hướng tính dục nào cũng có quyền được sống là chính mình, miễn không vi phạm pháp luật hay có hành vi làm sai lệch quy chuẩn đạo đức. Điều chúng ta cần làm là học cách tôn trọng sự khác biệt, dù có trong Tháng tự hào (Pride Month) hay không", nữ sinh chia sẻ.
Phụ huynh và học sinh cùng trao đổi về đề ngữ văn năm nay
Trần Lê Quang Minh, học cùng trường, chọn câu chuyện của hoa hậu Thùy Tiên và đội truyền thông của nhà tù Hỏa Lò để dẫn chứng cho bài làm nghị luận xã hội. Với nhà tù Hỏa Lò, Minh kể rằng em đặc biệt ấn tượng với một đội ngũ có thể quảng bá và lan tỏa niềm tự hào dân tộc và văn hóa lịch sử đến với giới trẻ bằng cách "rất Gen Z", tạo hứng thú để các em đến tham quan và học hỏi.
"Với chị Thùy Tiên, những ngày gần đây em có xem một chương trình của chị, tập nào cũng khiến em rơm rớm nước mắt vì nghe được câu chuyện từ nhiều ngành nghề trong cuộc sống. Chưa kể, bản thân chị Tiên trong chương trình này cũng rất chịu khó và chịu đi trải nghiệm mọi thứ, không giống như hình ảnh của một cô hoa hậu bình thường hiện nay. Đó là một cá tính cần được tôn trọng", nam sinh nhận định.
Từng đạt giải 3 học sinh giỏi cấp thành phố môn văn, Huỳnh Lê Nghi Văn, cùng trường, chia sẻ em đã giải thích "tôn trọng cá tính" chính là công nhận sự khác biệt vì mỗi người khi sinh ra đều đã không giống nhau. "Như John Mason đã từng nói, chúng ta sinh ra là một bản thể, thế nên đừng chết như một bản sao. Vì vậy, những người dám thể hiện sự cá tính, dám bước ra khỏi khuôn khổ sẽ làm nên kỳ tích", nữ sinh nói.
Phụ huynh "đội nắng" chờ đón thí sinh
Để dẫn chứng cho luận điểm này, Văn nhắc đến nhân vật Thảo Trang, tác giả truyện Tết ở làng địa ngục. "Chị Trang từng bảo rằng 'Kinh dị là tấm áo choàng, văn hóa là cốt lõi' của bộ truyện. Em cảm nhận là chị ấy đã dám tạo nên khác biệt khi ít ai nghĩ 'văn hoá' và 'kinh dị' lại liên quan tới nhau. Chắc vì thế mà Tết ở làng địa ngục với cá tính mới lạ đó đã được độc giả nhiệt thành đón nhận", Văn kể.
Thục Anh, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3), cũng cảm thấy gần gũi với chủ đề "tôn trọng cá tính" trong đề thi tốt nghiệp THPT 2024 môn ngữ văn. Theo nữ sinh, yêu cầu này không chỉ là lời gợi nhắc mà còn lên án những bạn trẻ đang ngang nhiên xúc phạm cá tính của người khác. "Em đã dẫn chứng về rapper tlinh, một nghệ sĩ có cách bày tỏ và bảo vệ bản thân rất riêng dù liên tục chịu những công kích trái chiều", Thục Anh nói.
Sau khi thi xong môn ngữ văn và toán, sáng mai (28.6), thí sinh tiếp tục dự thi tốt nghiệp THPT 2024 bài tổ hợp (khoa học tự nhiên gồm lý, hóa sinh; khoa học xã hội gồm sử, địa, giáo dục công dân) trong 150 phút. Đến chiều, hơn 1 triệu sĩ tử thi ngoại ngữ trong 60 phút, trong đó có 66.927 thí sinh đăng ký miễn thi ngoại ngữ, chiếm 6,25% tổng số thí sinh. Kết quả thi dự kiến công bố vào ngày 17.7.